(VTC News) - "Tôi nghĩ mình phải sống, còn sống thì mới còn có cơ hội gặp lại con, chứ giờ chết đi, sẽ không có cách nào gặp lại nó nữa" - Diễn viên Dũng Aly tâm sự.
Diễn viên Dũng Aly có hơn 40 năm làm nghề. Dù chỉ có cơ hội đảm nhận những vai diễn phụ nhưng ông luôn nuôi dưỡng niềm đam mê cháy bỏng với môn nghệ thuật thứ 7. Ở tuổi 68, gia tài lớn nhất của diễn viên phim Biệt động Sài Gòn là căn nhà rộng chưa đầy 9m2 được cải tạo lại từ một cái chuồng heo cũ.
Phóng viên VTC News đã có cuộc trò chuyện với diễn viên Dũng Aly về cuộc đời nhiều nỗi buồn hơn niềm vui của ông.
- Sau hơn 40 năm theo nghề diễn, gia tài lớn nhất của ông là căn nhà 9m2, được cải tạo trên mảnh đất trước kia là chuồng heo. Nếu được chọn lựa lại, ông có tìm cho mình nghề khác?
Dù có được lựa chọn lại, tôi vẫn muốn làm diễn viên. Mà không chỉ trong kiếp này, kiếp sau hay kiếp nữa, kiếp nữa, tôi vẫn muốn làm nghề này.
Ngày còn trẻ, tôi cũng có một vài vai diễn chính trên sân khấu kịch nhưng qua phim là đóng vai phụ suốt từ đó tới bây giờ. Từ phim đầu tay là Biệt động Sài Gòn của đạo diễn Long Vân, tới bộ phim mới đây nhất là Nhà có hai cửa chính của đạo diễn Minh Cao.
Thú thật, công việc không mang lại cho tôi cuộc sống ổn định, nhưng bù lại, tôi được các đồng nghiệp, bạn bè thương lắm. Tôi vừa hoàn thành ba phân đoạn trong phim Nhà có hai cửa chính. Mỗi phân đoạn được trả 250 nghìn.
Bình thường, các đoàn làm phim thường trả cho diễn viên phụ 150 nghìn một phân đoạn, có cao lắm thì cũng chỉ lên mức 200 thôi. Tôi được cao hơn hẳn vì đạo diễn Minh Cao rất quý và hiểu hoàn cảnh của tôi.
Có tháng, tôi được đi đóng phim một hai lần, nhưng cũng có khi vài tháng không ai gọi. Mấy ngày làm được, tôi dự trữ thực phẩm để lo cho những ngày không có việc làm. Còn khi đã hết lương thực mà vẫn không có đoàn làm phim nào gọi thì tôi đành mua chịu. Khi nào có tiền trả lại người ta.
- Cuộc sống hiện tại tuy có khốn khó nhưng trước đây, ông vốn là một công tử con nhà giàu. Ông có thể chia sẻ về khoảng thời gian này?
Từ nhỏ tới năm 20 tuổi tôi sống trong nhung lụa. Gia đình tôi làm nghề xuất khẩu tranh sơn mài lại buôn bán ngoại tệ nên rất giàu. Tôi ở biệt thự, đi xe hơi, cuộc sống không thiếu gì hết.
Tuy nhiên, khi mẹ tôi qua đời, ba bỏ nhà đi cờ bạc, rượu chè rồi thua lỗ thì gia đình tôi phá sản. Không còn mẹ, bố cũng bỏ đi biệt xứ, tôi là con trưởng phải đứng ra lo cho các em. Nhưng dưới tôi có tới tận 14 đứa.
Tôi thì từ nhỏ tới lớn quen sống trong có người phục vụ, một chút việc nhà cũng không biết làm, trong khi đó, tôi còn có vợ và đứa con gái mới sinh. Vì thế, tôi chỉ có thể đem theo 3 đứa em nhỏ nhất.
Tôi phải đi làm thuê, làm mướn, làm đủ mọi nghề để có thể nuôi sống gia đình và mấy đứa em. Vợ tôi không chịu được cảnh khổ cực. Cô ấy bảo tôi chỉ nên chăm lo cho vợ con thôi, nhưng là người anh, làm sao tôi có thể để các em bơ vơ. Tôi có bảo cô ấy, thôi thì thương anh, gắng giúp anh để anh nuôi em. Tuy nhiên, vợ tôi không chịu. Cô ấy lẳng lặng ra đi, mang theo đứa con gái mới được 3 tuổi.
- Từ đó tới nay, có khi nào ông đi tìm con?
Hồi đầu tôi có về nhà cô ấy hỏi, nhưng họ cũng bán đất chuyển đi sinh sống chỗ khác. Tôi có hỏi những người quen, người bảo cô ấy lấy chồng nước ngoài, người nói cô ấy đi làm ăn xứ khác. Tôi không biết phải tìm ở đâu. Hơn nữa, tôi cũng không có nhiều tiền nên đành chịu.
- Còn các em của ông hiện nay ra sao?
Những đứa lớn khi gia đình phá sản thì đi theo bạn bè, lêu lổng ăn chơi nên đứa chết trong trại cải tạo, đứa chết ngoài đường vì ma túy. Tôi không lo được cho chúng nên chúng chết rất đau lòng.
Mấy đứa em tôi nuôi may mắn hơn trưởng thành nhưng hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Một đứa bị u não, đứa tiếp theo bị ung thư và thằng út thì bị tâm thần. Chúng cũng lần lượt qua đời trong khốn khó.
Tôi nghĩ mình phải sống, còn sống thì mới còn có cơ hội gặp lại con, chứ giờ chết đi, sẽ không có cách nào gặp lại nó nữa.
Sự ra đi của các em và không tìm được đứa con gái duy nhất khiến tôi bị trầm cảm một thời gian dài. Giờ tôi vẫn phải dùng thuốc. Không có nó là tôi không ngủ được. Tôi đã từng nhiều lần định tìm tới cái chết. May là mỗi lần định thực hiện tôi lại nghĩ tới đứa con gái. Tôi nghĩ mình phải sống, còn sống thì mới còn có cơ hội gặp lại con, chứ giờ chết đi, sẽ không có cách nào gặp lại nó nữa.
43 năm qua tôi chưa một lần được gặp lại con. Tôi thậm chí không còn nhớ nổi gương mặt, giọng nói của nó. Tôi già rồi, mong ước duy nhất là được gặp lại con. Nếu nó còn sống, giờ cũng đã 46 tuổi.
- Ông có dự định gì cho tương lai?
Tôi không dám nghĩ tới tương lai. Thôi thì cứ tới đâu hay tới đó. Giờ còn sức thì đi làm, còn sau này đành phó mặc bản thân cho ông trời. Các trại dưỡng lão bây giờ cũng khó vào lắm. Họ có ít suất trong khi số những người gặp khó khăn rất nhiều. Tôi cũng không dám hy vọng xin được vào đó.
Niềm vui duy nhất của tôi bây giờ là được đi đóng phim. Tôi cũng có dạy nghề cho mấy bạn trẻ, có khả năng nhưng không có tiền theo học các lớp đào tạo về diễn xuất. Trong số mười mấy đứa theo học tôi, cũng có một vài đứa có tương lai lắm. Tôi hy vọng, chúng sẽ là những diễn viên giỏi, đóng góp cho nền nghệ thuật nước nhà.
- Mới đây, NSƯT Chí Trung có kêu gọi giúp đỡ ông trên trang cá nhân. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi rất cảm kích tấm lòng của anh Trung nhưng cũng thấy hơi ngại. Tôi chưa có dịp gặp anh lần nào, chỉ biết trên truyền thông thôi.
Tôi chỉ hy vọng các đồng nghiệp gọi tôi đi diễn vừa là giúp tôi thỏa mãn niềm đam mê vừa là để tôi có thể lo cho cuộc sống của chính mình. Với tôi, thế là hạnh phúc lắm rồi.
Video diễn viên Chí Trung trong cuộc trò chuyện với VTC News
Thu Giang
0 nhận xét:
Đăng nhận xét