Chị Thu, 36 tuổi, sống tại TP HCM, 5 năm trước vì muốn đôi môi căng đầy gợi cảm nên đến một cơ sở thẩm mỹ tư nhân để bơm silicon. Thời gian đầu môi căng mọng như ý, nay bắt đầu xuất hiện những cục lồi lõm, càng để lâu càng co kéo biến dạng. Chị đến một bệnh viện gần nhà để nhờ bác sĩ cắt bớt phần môi không cân đối, song hậu quả là những sẹo lồi co kéo khiến đôi môi càng xấu xí hơn.
Chị Thu đến Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM để điều trị. Bác sĩ nhận định nhiều khả năng sau một thời gian bơm vào môi, silicon vón thành cục gây dị ứng, bị cơ thể đẩy dần ra ngoài nên môi chị Thu xuất hiện những u cục gồ ghề mất thẩm mỹ. Các bác sĩ phải phẫu thuật lấy hết chất làm đầy ra và tái tạo hình môi, sau đó tiêm thuốc làm lành sẹo giúp bệnh nhân cải thiện diện mạo.
Bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM đang tư vấn cho một phụ nữ có mong muốn phẫu thuật thẩm mỹ. Ảnh: Trần Ngoan. |
Theo các bác sĩ chuyên ngành phẫu thuật thẩm mỹ tại TP HCM, thập niên 70-80 của thế kỷ trước ở Việt Nam rộ "mốt" bơm môi căng mọng bằng silicon lỏng. Rất nhiều phụ nữ, đặc biệt lứa tuổi trung niên tìm đến các cơ sở thẩm mỹ tư để thực hiện thủ thuật này. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 3 đến 5 năm, chất silicon lỏng bị vón thành cục, gây dị ứng, bị cơ thể đẩy dần ra ngoài khiến đôi môi biến dạng mất thẩm mỹ.
Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM, cho biết bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng do môi bằng chất làm đầy, phổ biến nhất là silicon lỏng. Hiện nay không chỉ ở Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đã cấm sử dụng silicon lỏng bơm vào người do hàng loạt ca biến chứng đã được ghi nhận. Tuy nhiên một số người do không biết hoặc ham giá thành rẻ nên vẫn bơm chất này vào môi để làm đẹp, sau một thời gian silicon vón cục gây co rút xấu hơn cả khi chưa bơm.
Một bác sĩ thẩm mỹ tại quận 5 giải thích cơ chế khi tiêm silicon vào môi, chất lỏng này sẽ phân tán quanh nơi được bơm. Tùy vào mức độ, silicon có thể được hấp thu một phần vào máu, phần còn lại nằm rải rác ở giữa tế bào hoặc trong các tế bào phát triển lớn ra. Do đó khi lấy ra thường phải nạo cả phần mô cơ ở môi.
Theo ghi nhận của bác sĩ Tuấn, tất cả ca biến chứng do bơm môi đều phải giải quyết bằng cách phẫu thuật để lấy chất làm đầy ra và tạo hình lại. Chất làm đầy này rất khó lấy ra hết hoàn toàn vì sau khi được bơm đã lan tỏa và lan nông ra ngoài da, nếu thủ thuật không khéo có thể gây thủng da để lại sẹo xấu.
Bác sĩ khuyến cáo mọi người tuyệt đối không bơm môi bằng silicon lỏng. Nếu có nhu cầu làm đẹp bất kỳ bộ phận nào trên cơ thể, hãy đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ để được tư vấn và lựa chọn phương pháp phù hợp nhất. Nguyên liệu nào muốn bơm vào cơ thể với nhu cầu làm đẹp phải kiểm tra nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận hợp quy của Bộ Y tế.
''Đừng thực hiện thủ thuật ở những cơ sở thẩm mỹ 'chui' hay sử dụng vật liệu không có nguồn gốc rõ ràng, vừa không hiệu quả lại vừa hủy hoại sức khỏe'', bác sĩ nhắc nhở.
* Tên nhân vật đã được thay đổi
0 nhận xét:
Đăng nhận xét